Tất tần tật về quản lý rủi ro: Cẩm nang giúp trader thoát kiếp nạn cháy tài khoản (Phần 1)

Tất tần tật về quản lý rủi ro: Cẩm nang giúp trader thoát kiếp nạn cháy tài khoản (Phần 1)

Tất tần tật về quản lý rủi ro: Cẩm nang giúp trader thoát kiếp nạn cháy tài khoản (Phần 1)

Le Hue Truong

Editor
Trial mod
7,696
33,000
Xin chào cả nhà!

Khi mọi người bắt đầu tìm hiểu về trading, quản lý rủi ro có lẽ là điều cuối cùng họ quan tâm đến. Đó cũng có thể là lý do khiến hơn 90% trader thua lỗ.

Chưa hết, các tài liệu hướng dẫn cách quản lý rủi ro trên mạng đôi khi có thể khá mơ hồ: "Đừng mạo hiểm nhiều hơn X% cho mỗi giao dịch."

Nhưng vấn đề là, mỗi người sẽ giao dịch ở tần suất, thị trường và khung thời gian khác nhau. Do vậy, chủ đề "quản lý rủi ro trong trading" cần phải được đào sâu thêm một chút, chứ không chỉ dừng lại ở những lời khuyên chung chung như thế.

Sau đây là Phần 1 của series tất tần tật những gì bạn cần biết về quản lý rủi ro trong trading, được chia sẻ bởi tác giả Adam trên trang tradingriot.com nhé mọi người!

***​

Câu hỏi đầu tiên là: Tại sao phải quản lý rủi ro?


Khi bạn mới bắt đầu giao dịch, bạn sẽ có xu hướng học tất cả các chiến lược khác nhau và dễ có cảm giác làm chủ được thị trường. Nhưng sự thật là, thị trường tài chính là nơi bạn sẽ phải cạnh tranh với các trader và thuật toán thông minh nhất. Vì vậy, khả năng một chiến lược bạn học được từ Youtube vượt trội hơn đáng kể so với thị trường là rất nhỏ.

Bạn không bao giờ có thể biết thị trường sẽ đảo chiều bởi vì chỉ báo X đã báo hiệu điều Y, hoặc di chuyển đến mức Z nào đó.

Tat-tan-tat-ve-quan-ly-rui-ro-traderviet1.png


Liệu Bitcoin có tăng từ $10.000 lên $60.000 là do giao cắt đường trung bình động hay là do giao cắt trên MACD?

Dĩ nhiên là không! Nhưng khả năng phát hiện ra những mô hình này có thể mang lại cho bạn lợi thế trên thị trường.

Lợi thế của bạn có thể là bất cứ điều gì: bạn có thể sử dụng các chỉ báo đơn giản hoặc phức tạp hơn, hành động giá thuần tuý, hay giao dịch dựa trên các đợt công bố dữ liệu kinh tế vĩ mô, v.v.

Vấn đề là, lợi thế của bạn phải mang lại cho bạn giá trị kỳ vọng dương (EV+).

Giá trị kỳ cọng chỉ đơn giản là biểu thị kết quả trung bình qua một chuỗi các giao dịch.

Tat-tan-tat-ve-quan-ly-rui-ro-traderviet2.png

Nếu bạn nhìn vào biểu đồ Trái phiếu Đức kỳ hạn 10 năm này, bạn có thể thấy trong hầu hết các trường hợp, thị trường đã phản ứng khi nó chạm vào điểm kiểm soát khối lượng (Volume point of control) từ các phiên trước.

Tất nhiên, đây có thể là lợi thế của bạn. Tôi sẽ không sử dụng nó đơn giản như vậy, nhưng bạn có thể coi đây là một mô hình lặp đi lặp lại và thị trường có xu hướng phản ứng khi nó xảy ra.

Mặc dù bạn không thể "đánh bại" được thị trường, nhưng bạn có thể phát triển một chiến lược khai thác những hành vi nhất định, có hiệu quả thường xuyên hơn.

Kết hợp điều đó với quản lý rủi ro thích hợp sẽ giúp bạn tiếp tục tham gia trò chơi trading về lâu về dài.

Khái niệm cơ bản về quản lý rủi ro


Hai yếu tố được coi là cơ bản của quản lý rủi ro là rủi ro trên mỗi giao dịch và R.

Rủi ro trên mỗi giao dịch chỉ đơn giản là số tiền $ hoặc % mà bạn mạo hiểm trên mỗi giao dịch.

Tỷ lệ Risk:Reward (R:R)cho bạn biết mức độ rủi ro của bạn so với phần thưởng của bạn.

Ví dụ: Chiến lược có tỷ lệ R:R là 1:2 (còn được gọi là 2R) cho bạn biết rằng với 1 đơn vị rủi ro, bạn sẽ có 2 đơn vị phần thưởng.

Chẳng hạn, bạn vào lệnh mua Bitcoin ở mức $42.250 với mức dừng lỗ tại $40.250 và chốt lời tại $46.250, bạn sẽ có giao dịch sở hữu tỷ lệ R:R là 1:2.

Tat-tan-tat-ve-quan-ly-rui-ro-traderviet3.png

Phần lớn mọi người đều khuyên rằng bạn không nên mạo hiểm quá 2-5% tổng số dư tài khoản của mình cho mỗi giao dịch.

Mặc dù điều này không sai, nhưng sự thực phức tạp hơn thế nhiều và tôi sẽ nói về vấn đề này nhiều hơn xuyên suốt bài viết này.

Giả sử bạn $10.000 trong tài khoản giao dịch của mình và trải qua chuỗi 8 trade thua liên tiếp.

Nếu bạn cho rằng việc có 8 trade thua liên tiếp là phi thực tế, thì hãy xem bảng này cho thấy xác suất thua lỗ liên tiếp trong 50 giao dịch dựa trên winrate (tỷ lệ thắng) của chiến lược.

Tat-tan-tat-ve-quan-ly-rui-ro-traderviet4.jpeg

Như bạn có thể thấy, một chiến lược có winrate 50% có khoảng 50% khả năng gặp 8 trade thua liên tiếp.

Mặc dù việc trải qua 8 trade thua liên tiếp có vẻ nhiều và có thể mang lại một số gánh nặnng tâm lý, nhưng điều đó không có nghĩa là chiến lược đó không kiếm được lợi nhuận.

Tat-tan-tat-ve-quan-ly-rui-ro-traderviet5.png

Bạn hãy quan sát mô phỏng đường cong vốn này, trong số 50 mô phỏng ngẫu nhiên với 100 giao dịch sử dụng chiến lược có winrate 50% và 2R cố định cho mỗi giao dịch, không có một mô phỏng nào dẫn đến thua lỗ khi sử dụng rủi ro cố định 2% trên mỗi giao dịch riêng lẻ.

Tat-tan-tat-ve-quan-ly-rui-ro-traderviet6.png

Bây giờ, hãy quan sát mô phỏng tương tự với rủi ro 10% cho mỗi giao dịch.

Rủi ro 10% cho mỗi giao dịch gần như là điều không thể lọt lỗ tai trong trading vì mọi nhà cố vấn/ nhà giáo dục đều nói với bạn rằng, phần trăm đó đơn giản là quá nhiều, nhưng liệu có phải vậy không?

Như bạn có thể thấy, một số đường cong vốn của họ đạt đến những con số khủng khiếp, nhưng cũng có 11 lần thua liên tiếp tối đa. Mới bắt đầu mà đã chạm phải những điều này thì cũng đồng nghĩa với việc tài khoản của bạn sẽ bị nổ tung.

Tat-tan-tat-ve-quan-ly-rui-ro-traderviet7.png

Bạn thấy đấy, rủi ro 10% tài khoản của bạn ngay từ đầu sẽ khiến bạn bị drawdown 52% sau 8 lần thua liên tiếp.

Đó là điều mà nhiều người sẽ không chấp nhận được, nhưng đối với một số trader nhất định, rủi ro 10% cho mỗi giao dịch vẫn là một lựa chọn khả thi.

Tat-tan-tat-ve-quan-ly-rui-ro-traderviet8.png



Cách tiếp cận khác nhau cho các phong cách giao dịch khác nhau


Tất cả chúng ta đều giao dịch khác nhau, tuỳ thuộc vào chiến lược, niềm tin và khả năng về thời gian của mình.

Một số người có thể thực hiện 50 giao dịch mỗi ngày, nhưng một số khác không thực hiện đến 50 giao dịch trong cả năm.

Trung bình, tôi thực hiện khoảng 1-3 giao dịch mỗi ngày (tôi giao dịch swing trade).

Việc tôi mạo hiểm 10% cho mỗi giao dịch có hợp lý không?

Không hẳn, vì tôi thiết lập giới hạn thua lỗ hàng ngày của mình là 3 lần thua liên tiếp (khó có khả năng xảy ra ít nhất một lần trong một hoặc hai tuần). Rời khỏi bàn làm việc với tài khoản bị mất 30% thì chẳng hay ho gì so với việc chỉ mất 3-6%.

Đây là lý do tại sao điều quan trọng là phải biết chiến lược của bạn và trung bình bạn sắp thực hiện bao nhiêu giao dịch mỗi ngày/ tuần/ tháng, v.v.

Nếu bạn là một swing trader, hãy thực hiện 1-3 giao dịch một tuần, mạo hiểm 2-3% cho mỗi giao dịch là hoàn toàn ổn.

Nếu bạn chỉ thực hiên 1-3 giao dịch một tháng, bạn có thể mạo hiểm 5-10% mà không gặp vấn đề gì.

Bởi vậy mà lời khuyên chung chung "đừng bao giờ mạo hiểm quá 2% cho mỗi giao dịch" sẽ rất khó áp dụng cho tất cả mọi người.

Bạn cần biết kỳ vọng của mình từ thị trường, mức độ chủ động của bạn và mức độ bạn sẵn sàng mạo hiểm so với tần suất bạn giao dịch.

Ví dụ: Bạn có $100.000 trong tài khoản giao dịch của mình, nhưng trung bình bạn chỉ thực hiện 3 giao dịch mỗi tháng.

Liệu tuân thủ nghiêm ngặt 1% cho mỗi giao dịch có hợp lý? Hay bạn nên xem xét hiệu suất của mình và điều chỉnh rủi ro đến mức khả thi là 3-5% dựa trên dữ liệu mô phỏng vốn của bạn? Tôi nghĩ cái sau mới là lựa chọn tốt hơn.

Ngược lại với ví dụ này sẽ là một day trader vào và thoát lệnh nhanh chóng.

Day trader và scalper cần xem xét các chi phí bổ sung như commission (phí hoa hồng) và khả năng trượt giá (slippage) cao hơn nhiều. Do đó, không có lý do gì để bạn khó chịu với rủi ro của mình, vì bất kỳ khoản rủi ro nào từ 0,5-2% cho mỗi giao dịch là quá đủ!

Sử dụng lệnh dừng lỗ


"Dừng lỗ là người bạn tốt nhất của trader; bạn nên luôn sử dụng lệnh dừng lỗ."

Đây là điều bạn sẽ nghe thường xuyên, nhưng nó cũng không hoàn toàn đúng!

Lệnh dừng lỗ sẽ đưa bạn thoát khỏi giao dịch ở một mức giá định trước; một khi giá tìm đến mức đó, giao dịch của bạn sẽ bị thua lỗ.

Điều này thường có thể dẫn đến những tình huống như thế này:

Tat-tan-tat-ve-quan-ly-rui-ro-traderviet9.png

Vậy làm sao để thoát khỏi tình trạng này?

Ưu điểm lớn của việc sử dụng lệnh dừng lỗ cố định là bạn có thể dễ dàng tính toán quy mô vị thế của mình, để phù hợp với các thông số rủi ro và bạn cũng sẽ nhận được dữ liệu đơn giản khi ghi nhật ký giao dịch của mình.

Đây là lý do tại sao tôi luôn khuyên trader mới nên sử dụng lệnh dừng lỗ cố định.

Nhưng khi bạn đã có nhiều kinh nghiệm hơn, về cơ bản, bạn sẽ gặp 2 tình huống mà bạn có thể không muốn sử dụng lệnh dừng lỗ cố định.

Trước hết, tôi thấy cần phải nhắc lại rằng, bạn cần có kinh nghiệm về thị trường và trading cái đã (còn nếu bạn là người mới, hãy đọc phần 2 của bài viết này).

Theo kinh nghiệm của tôi, giao dịch không cài dừng lỗ cố định thường được thực hiện trên các giao dịch dài hạn (swing trade và position trade).

Tat-tan-tat-ve-quan-ly-rui-ro-traderviet10.png

Nếu bạn lạc quan về cổ phiếu Amazon trong năm 2018-2019 vì bất kỳ lý do gì và bạn muốn mở vị thế mua trong khu vực hộp màu xanh, bạn có thể thấy rất khó để xác định chính xác thời điểm thị trường tạo đáy trong biểu đồ khung weekly (theo tuần) này.

Đặc biệt là sau cây nến tuần bị từ chối đầu tiên, bạn nghĩ giá sẽ tiếp tục tăng cao hơn, nhưng rốt cuộc nó lại giảm thấp hơn, và rất có thể lệnh dừng lỗ đã được kích hoạt.

Thay vì thế, điều mà nhiều trader/ nhà đầu tư sẽ làm đó là bình quân giá xuống (average down) vị thế của mình và tiếp tục mua cho đến khi giá chạm mức định trước của họ, nơi họ biết mình đã sai trong cú trade này.

Mặc dù họ không cài một lệnh dừng lỗ cố định, nhưng họ có thể bắt đầu thoát lệnh từng phần (scale out) và thanh lý vị thế của mình.

Có nhiều cách để làm việc này, nhưng nhìn chung, bạn sẽ thấy cách tiếp này phổ biến với những trader không quan tâm quá nhiều đến việc "market timing" (canh thời điểm thị trường) mà thay vào đó, họ vào/ thoát lệnh từng phần.

Cách thực hành thứ hai đó là sử dụng kết hợp lệnh dừng lỗ cố định và linh động (phù hợp hơn với các giao dịch ngắn hạn). Đó cũng là điều tôi thỉnh thoảng làm, thường là khi tôi tìm thấy một xu hướng trên khung thời gian cao hơn và thực hiện giao dịch trên khung thời gian thấp hơn.

Tat-tan-tat-ve-quan-ly-rui-ro-traderviet11.png

Như bạn có thể thấy trên biểu đồ M15 của Bitcoin này, bạn có thể Buy nếu thị trường có một cú phá vỡ giả trước khi xoay chiều đi lên tại ngưỡng hỗ trợ.

Một khi bạn vào lệnh, bạn sẽ không muốn thấy một đáy mới làm vô hiệu hoá giao dịch của mình, nhưng bạn cũng muốn giao dịch chỉ có một khoảng trống nhỏ để di chuyển.

Nếu bạn nhìn bên dưới thị trường, bạn có thể xác định một ngưỡng cấu trúc khác có thể cách gần gấp đôi điểm dừng lỗ ban đầu của bạn (trong trường hợp này là mức đáy của cây nến bạn sử dụng để vào lệnh).

Nếu bạn đặt dừng lỗ cố định, tỷ lệ R:R cho giao dịch này sẽ là 3, nếu thị trường tạo một đỉnh mới.

Nếu bạn đặt dừng lỗ linh hoạt, tỷ lệ R:R sẽ là trên 5,5.

Giả sử bạn có đủ kinh nghiệm và biết từ nhật ký giao dịch của mình rằng, thị trường sẽ không đi đến nơi bạn đặt dừng lỗ, trong trong 20% trường hợp, nó có khả năng giảm thêm một lần trước khi di chuyển lên cao hơn. Trong trường hợp đó, bạn có thể chuyển xuống khung thời gian thấp hơn, nơi bạn có thể thiết lập một quy tắc thoát lệnh thủ công tại điểm dừng lỗ linh động của mình.

Ví dụ: Nếu một cây nến 3 phút đóng cửa bên dưới mức đáy.

Tat-tan-tat-ve-quan-ly-rui-ro-traderviet12.png


Như bạn có thể thấy, thị trường đi xuống dưới mức đáy một lần nữa nhưng không đóng cửa ở mức thấp hơn và cuối cùng tăng cao hơn.

Nếu bạn đặt dừng lỗ cố định ngay tại mức đáy, điều đó sẽ khiến bạn bị "stop-out" đau đớn trước khi thấy thị trường chạm đến mức chốt lời mong muốn của bạn.

Vì vậy, đây là trường hợp mà bạn có thể muốn thử nghiệm điểm dừng lỗ cố định và điểm dừng lỗ linh động.

Tất nhiên, nếu thị trường lao xuống thấp hơn và chạm điểm dừng lỗ cố định của bạn, bạn sẽ mất nhiều tiền hơn.

Đây là lý do tại sao cần phải có một số quy tắc nhất định:

Trước hết, điều này chỉ dành cho những người có kinh nghiệm và những người hiểu các setup của họ thông qua việc quan sát hoặc ghi nhật ký, và biết thị trường mà họ giao dịch.

Khi tôi sử dụng phương pháp này, tôi tuân theo một quy tắc đơn giản là điểm dừng lỗ cố định không thể cách xa hơn gấp đôi điểm dừng lỗ linh động.

Nói cách khác, nếu tôi thường mạo hiểm 1% cho mỗi giao dịch và thị trường sẽ nhanh chóng chạm điểm dừng lỗ cố định của tôi, thì tôi không thể thua quá 2% trong giao dịch đó.

Một lần nữa, tôi không làm điều này với mọi giao dịch, chỉ những giao dịch khi tôi vừa có nhận định xu hướng với biến động lớn hơn trên khung thời gian cao hơn, vừa muốn vào lệnh với thanh khoản thấp hơn trên khung thời gian thấp hơn. Vì vậy, không thể không kỳ vọng về một số động thái "shakeout" (rũ bỏ) trên thị trường.

Nếu bạn là người mới thì hãy quên phương pháp này đi và chỉ xem lại chúng khi đã có đủ kinh nghiệm/ dữ liệu.

Trong phần 2, tôi sẽ nói về:
  • Chốt lời từng phần
  • Điều chỉnh các thông số rủi ro
  • Hoà vốn
  • R tiến hoá
Các bạn nhớ đón xem nhé!

Nguồn: tradingriot.com

Đừng quên THẢ TIM, SHARE VÀ COMMENT để ủng hộ mình nhiều hơn nữa nhé!! Nice day cả nhà ;););)
 
 

Giới thiệu sách Trading hay
Thực Hành Phân tích Fibonacci

Tác giả sách là cựu trader quản lý quỹ kiêm học giả CMT. Sách đoạt giải và được xuất bản bởi Bloomberg Press. Sách khái quát từ cơ bản đến chuyên sâu về FIbonacci Trading
Chỉnh sửa lần cuối:
AdBlock Detected

We get it, advertisements are annoying!

Sure, ad-blocking software does a great job at blocking ads, but it also blocks useful features of our website. For the best site experience please disable your AdBlocker.

Back
Bên trên

Miễn trừ trách nhiệm

Tất cả nội dung trên website này đều vì mục đích cung cấp thông tin và không phải lời khuyên đầu tư.

Tại Việt Nam, giao dịch CFD forex có các rủi ro nhất định, trong đó bao gồm rủi ro về pháp lý. Độc giả nên tìm hiểu kỹ trước khi đưa ra quyết định tham gia.